Điều
Trị và Dinh Dưỡng Cho Người Bị Viêm Gan
BBT: Tiếp theo loạt bài về bệnh viêm gan, BBT xin giới thiệu
bài viết “ĐIỀU TRỊ VÀ DINH DƯỠNG CHO NGƯỜI VIÊM GAN” của B.S. Bùi Xuân
Dương.
Đọc trong phần nầy:
1. Cách chữa trị bệnh viêm gan B.
2. Dinh dưỡng cho người viêm gan:
• Thức ăn cho người bị viêm gan cấp tính.
• Thức ăn cho người bị viêm gan mãn tính.
• Thức ăn cho người bị chai gan và ung thư.
3. Thuốc bổ gan
CÁCH CHỮA TRỊ BỆNH VIÊM GAN B
Hiện nay FDA chấp thuận 2 cách thức chính chữa bệnh viêm gan B:
1. Thuốc chích: Interferon:
Đây là loại thuốc đã được ứng dụng lâu năm nhất, và cho tới nay vẫn là thuốc
có hiệu quả nhất trong việc chữa trị bệnh viêm gan B. Thuốc nầy có tên là
Interferon. Trong lúc chữa trị, bệnh nhân tự chích lấy. Mỗi ngày một lần, chích
trước khi đi ngủ. Chích khoảng 4 tháng. Hơn 40% bệnh nhân viêm gan B sẽ thuyên
giảm hoặc hết bệnh hoàn toàn bằng phương thức chữa bệnh nầy.
Interferon là gì?
Đây là một chất hoá học bào chế từ cơ thể chúng ta trong những trường hợp cảm
cúm, nhiễm trùng,v.v…Chất hoá học nầy sẽ giúp cho các bạch huyết cầu tó khả
năng tiêu diệt các loại vi trùng và vi khuẩn một cách nhanh chóng hơn, mãnh liệt
hơn.
Trước khi chất Interferon được ứng dụng trong việc chữa trị bệnh viêm gan,
thuốc nầy đã được dùng để chữa một số các loại ung thư khác nhau. Tuy Interferon
đã được dùng trong việc chữa trị bệnh viêm gan B và C tại nhiều quốc gia khác
nhau trong một thời gian khá lâu với một thành quả tương đối tốt đạp, thuốc nầy
mới chỉ được dùng trên nước Mỹ từ đầu năm 1992. Theo một thống kê gần đây, hiện
nay trên toàn thế giới hàng triệu người đang chích thuốc nầy mỗi ngày.
Thuốc phải để trong tủ lạnh, nếu đi du lịch, cần phải dự trữ trong những bọc
có đá lạnh.
Những phản ứng phụ thường xuyên của thuốc
Interferon:
Interferon có nhiều phản ứng phụ. Những phản ứng phụ thường xuyên nhất là mệt
mỏi, nhức đầu, đau mỏi bắp thịt hoặc các khớp xương, cảm cúm, chóng mặt, buồn
nôn, sốt hoặc lạnh rét, mất ngủ, khó chịu, tiêu chảy, rụng tóc, buồn phiền chán
nản, bực bội khó chịu. Những phản ứng phụ nầy thông thường nặng nhất trong những
mũi chích đầu tien và sẽ giảm dần, khi cơ thể bắt đầu quen thuốc.
Nếu uống 1-2 viên Tylenol 500mg khoảng nửa tiếng trước khi chích, các phản ứng
phụ nầy có thể giảm đi rất nhiều. Ngoài ra thuốc Interferon còn có thể gây ra
thiếu máu hoặc bệnh liên quan đến tuyến giáp trang (thyroid gland) trong lúc và
sau khi chích, nên bệnh nhân phải thử máu thường xuyên trong lúc chữa trị. Thông
thường bệnh nhân sẽ được thử máu từ một đến hai tuần lễ đầu tien sau khi chích,
và sau đó mỗi tháng một lần, hoặc thường xuyên hơn nếu cần.
Tuy bệnh nhân có thể bị một trong những phản ứng phụ kể trên, đa số những
người chích thuốc Interferon vẫn tiếp tục đi làm hoặc sống một cách tương đối
bình thường. Người ta cũng nhận thấy rằng những phản ứng kể trên có thể giảm đi
nhiều hơn nếu bệnh nhân chịu khó tập thể dục hàng ngày. Ngoài ra, người chích
thuốc Interferon vẫn tiếp tục ăn uống bình thường mà không phải kiêng khem gì
đặc biệt. Quý vị cũng không cần phải uống thuốc bổ nào dành riêng cho gan cả.
Thuốc bổ có chất sắt không nên uống trong lúc chích thuốc Interferon.
2. Thuốc uống:
Lamivudine.
Vào đầu năm 1999, FDA chấp thuận việc xử dụng một loại thuốc uống có khả năng
chữa bệnh viêm gan B. Thuốc nầy có tên la Epivir-HBV (Lamivudine). Đây là một
loại thuốc đã và đang dùng để chữa bệnh AIDS. Thuốc nầy có khả năng ngăn cản sự
bành trướng và tăng trưởng của vi khuẩn viêm gan B. Ưu điểm quan trọng của
phương pháp mới nầy là thuốc Epivir-HBV có thể uống chứ không phải chích như
trong trường hợp của thuốc Interferon. Một lợi điểm đáng kể khác là thuốc
Epivir-HBV tương đối an toàn và ít phản ứng phụ.
Thuốc uống mỗi ngày một viên. Thông thường uống từ 8 đến 12 tháng. Người ta ước
đoán khoảng 55% bệnh nhân chữa trị bằng phương pháp nầy sẽ lành bệnh, trong số
nầy có khoảng 16% hết bệnh một cách lâu dài. Một số bệnh nhân có thể bị viêm gan
trở lại sau khi ngừng uống thuốc.
Phản ứng phụ của thuốc Epivir-HBV:
Nếu so với thuốc Interferon, Epivir-HBV gây ra rất ít phản ứng phụ. Đa số bệnh
nhân uống thuốc Epivir-HBV không bị phản ứng phụ nào dáng kể. Một số người có
thể bị đau rát cổ họng, cảm cúm hoặc mệt mỏi sơ sài. Trong một vài trường hợp
hiếm hoi, bệnh nhân trong lúc uống thuốc nầy có thể bị đau bụng, ói mửa nhiều
hơn vì gan bị viêm nặng hơn, hoặc vị viêm tuỵ tạng (pancreatitis), và sau cùng
nguy hiểm đến tính mạng vì chất lactic acid tăng lên trong máu một cách nhanh
chóng và đáng ngại. Như tất cả các loại thuốc trụ sinh khác, một số vi khuẩn
viêm gan B có thể quen thuốc và trở nên khó chữa hơn.
DINH DƯỠNG CHO NGƯỜI BỆNH VIÊM GAN.
Trong những năm gần đây, người ta ý thức hơn về vấn đề dinh dưỡng trong việc
bảo trì sức cũng như chữa trị bệnh tật. Tuy “ăn để sống, chứ không phải sống để
ăn”, chúng ta không nên chỉ ăn dể sống “qua ngày”. Ăn đúng cách có thể giúp
phòng ngừa bệnh tật, hoặc thuyên giảm nhiều triệu chứng khác nhau.
Tuy nhiên nói thế thì dễ, làm thì khó. Ngoài sự hiểu biết sâu xa về các laọi
dinh dưỡng, người muốn ăn đúng cách cần một ý chí cương quyết và bền bĩ. Ăn đúng
“kiểu”, chưa chắc đã ăn đúng cách. Ăn uống kiêng khem “cực khổ”, chưa chắc sẽ
tạo cho cơ thể chúng ta một môi trường thuận lợi. Nếu chúng ta ăn gạo lức muối
mè ngày này qua tháng nọ, chẳng hạn; hoặc ăn chay trường một cách tuyệt đối mà
không để ý đến các chất đạm hoặc chất bổ khác nhau, cơ thể chúng ta sẽ thiếu dần
nhiều chất dinh dưỡng một cách kinh niên, và từ đó đưa đến nhiều bệnh tật. Mặt
khác, một số các thức ăn tuy rất ngon miệng, nhưng nếu ăn quá nhiều có thể đưa
đến nhiều bệnh tật khác nhau.
Dinh dưỡng cho người bệnh viêm gan được phân biệt tuỳ theo bệnh trạng của mỗi
cá nhân:
1. Người bị viêm gan cấp tính (Acute Hepatitis)
2. Người bị viêm gan mãn tính (Chronic Hepatitis).
3. Người bị chai gan (Liver Cirrhosis) hoặc ung thư gan (Liver Cancer).
Nói đến dinh dưỡng, chúng ta thường gặp nhiều lời khuyên khác nhau, truyền
tụng từ người này qua người nọ, từ đời này qua đời kia. Một số lời khuyên rất
đúng và rất nên được ứng dụng vào đời sống hàng ngày. Ngược lại, nhiều lời
khuyên hoàn toàn sai lầm và không dựa vào bất cứ một nghiên cứư khoa học nào cả.
Những lời khuyên truyền khẩu nầy nhiều khi đã được phổ biến từ nhiều thế hệ khác
nhau, nên được in sâu vào ký ức của đại chúng. Thậm chí nhiều lời khuyên rất
phản khoa học đã và đang được xem như một trong những văn minh của dân tộc và
như thế cứ tiếp tục duy trì và ứng dụng một cách phổ thông. Áp dụng những lời
khuyên vô lý nầy vào cách thức ăn uống không những không mang lại một lợi ích
nào mà còn có thể làm cho cơ thể của chúng ta mỗi ngày một yếu đi, một nhiều
bệnh tật hơn.
Hơn nữa, không phải bệnh nào cũng có thể chữa được bằng thức ăn. Và không phải
thức ăn nào cũng được xem như thuốc chữa bệnh. Theo định nghĩa, “thuốc” là một
chất hoá học có thể ứng dụng để trị bệnh hoặc chữa lành thương tích. Nếu thực
phẩm dược dùng như thuốc trị bệnh, chúng sẽ có tất cả các phản ứng phụ nếu
“dùng” không đúng cách hoặc quá “over-dose”.
Muc tiêu chính của dinh dưỡng là:
1. Giữ cán cân trung bình. Đừng ăn ít hơn hoặc nhiều hơn sự cần thiết của cơ
thể. Người mập quá, nên xuống ký. Người ốm quá nên lên cân.
2. Cung cấp cho cơ thể chúng ta những chất bổ và khoáng chất cần thiết.
Thực phẩm chứa dựng nhiều chất đạm (protein), chất đường / bột (sugar / carbon
hydrate), chất mỡ (fat / cholesterol), sinh tố (vitamin), khoáng chất (trace
elements), chất xơ hay còn gọi là bì sợi (fiber), v.v,…theo những tỷ lệ khác
nhau. Tuỳ theo tuổi tác, trọng lượng, nghề nghiệp cũng như sinh hoạt thể thao và
phái tính, chúng ta trung bình cần từ 30 đến 35 Kcal. cho mỗi kílo trọng lượng
mỗi một ngày. Nói một cách khác, nếu một người lớn nang95 khoảng 70 kg, họ cần
phải ăn khoảng 2100 đến 2450 Kcal. và 70 đến 90 gm chất đạm mỗi ngày. Tuy một
gram chất mỡ chứa nhiều nhiên liệu hơn một gram chất đường, chất bột hoặc chất
đạm, chúng ta nên dùng chất mỡ / béo càng ít cáng tốt. Tổng số năng lượng mỗi
ngày không nên nhiều hơn 30% dưới dạng mỡ.
Hơn nữa, một ngày chúng ta nên ăn khoảng 20 đến 30 gram chất xơ. Chất xơ có
nhiều trong các loại rau và trái cây.
THỨC ĂN CHO NGƯỜI VIÊM GAN CẤP TÍNH:
Như đã trình bày trong bài Bệnh Viêm Gan, khi bị viêm gan cấp tính gây nên
bởi vi khuẩn viêm gan A, B, C, D và E, hoặc viêm gan do các loại thuốc men, rượu
bia,v.v…bệnh nhân có thể bị đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, ói mửa. Những bệnh
nhân nầy nếu bị ói mửa liên tục, phải nhập viện để tiếp tế thức ăn thẳng vào
mạch máu. Nếu chỉ hơi nôn nao khó chịu, họ không cần nhập viện. Họ có thể dùng
các thức ăn nhẹ, không dầu mỡ, không nhiều gia vị. Thường nên ăn nhiều vào buổi
sáng. Ăn trễ hơn, người bệnh dễ buồn nôn hơn. Nếu bị đầy bụng dễ nôn sau khi ăn,
họ nên ăn ít một và chia thành nhiều bữa trong ngày. Để bệnh chóng lành, bệnh
nhân nên ăn nhiều năng lượng (calories) hơn bình thường. Năng lượng nầy rất cần
thiết trong việc hồi phục những tế bào gan nói riêng và toàn cơ thể nói chung.
Tránh dùng quá liều các loại thuốc có thể làm hại đến gan nhiều hơn, chẳng hạn
như thuốc Tylenol (Acetaminophen). Nên tránh uống rượu và bia. May mắn thay, đa
số triệu chứng của bệnh viêm gan cấp tính từ các loại vi khuẩn viêm gan, nếu có,
chỉ kéo dài vài ngày tới vài tuần. Một khi gan bình phục, bệnh nhân có thể ăn
uống lại bình thường mà không phải kiêng cữ gì cả.
THỨC ĂN CHO NGƯỜI VIÊM GAN MÃN TÍNH:
Bệnh nhân viêm gan mãn tính trong những giai đoạn đầu khi bệnh chưa nặng
thường vẫn cảm thấy bình thường, mặc dù gan của họ trở nên yếu dần mỗi ngày. Ăn
uống cũng như tiêu hoá thức ăn ban đầu cũng chưa gặp một trở ngại nào, ngay cả
khi gan bị tàn phá một cách đáng kể. Cho đến nay Hội Y-Sĩ Đoàn Hoa Kỳ chưa có
lời khuyên hay thực đơn đặc biệt nào về thực phẩm cho người bị viêm gan mãn
tính. Ngoài việc loại bỏ những nguyên nhân đưa đến bệnh viêm gan, như chữa trị
bệnh viêm gan vì vi khuẩn viêm gan B, C, tránh uống rượu bia, tránh uống các
loại thuốc có thể làm hư gan hoặc chỉ nên uống thuốc khi thật cần thiết,
v.v…Người bị viêm gan mãn tính vẫn tiếp tục ăn uống bình thường mà không phải
lo sợ gì cho lắm. Họ chưa bắt buộc phải tránh ăn thịt, muối hay phải hoàn toàn
kiêng cữ lòng đỏ trứng gà, trứng vịt, thức ăn nhiều chất béo hoặc
cholesterol,v.v…Nếu cần họ có thể uống mỗi ngày một viên multivitamin. Ngoài
thuốc bổ thông thường họ cần uống thêm thiamine và folic acid, nhất là nếu họ bị
viêm gan vì uống rượu bia quá nhiều trong một thời gian quá lâu.
RƯỢU BIA VÀ BỆNH GAN:
Rượu bia là một độc chất nguy hiểm cho gan. Uống rượu bia quá nhiều có thể
làm viêm và chai gan. Nhiều nghiên cứu cho thấy, rượu bia nếu uống thái quá sẽ
làm bệnh viêm gan do vi khuẩn viêm gan nhất là vi khuẩn viêm gan loại C phát
triển nhanh chóng hơn và trầm trọng hơn. Vì thế bệnh nhân sẽ giảm thọ nhiều hơn
và nhanh hơn so với những người cũng bị viêm gan mà không uống rượu. Theo thông
cáo của Học Viện Y Tế Quốc Gia ( National Institutes of Health) vào năm 1977,
bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn viêm gan phải tránh uống rượu. Nếu uống, không được
uống rượu quá một ly nhỏ mỗi ngày. Tốt hơn hết, nên tánh hoàn toàn rượu bia, để
tránh tình trạng “châm dầu vào lửa”.
CHẤT SẮT VÀ BỆNH GAN:
Trong cơ thể gan là bộ phận chứa đựng nhiều chất sắt. Gan của người bị nhiễm
vi khuẩn viêm gan C có khuynh hướng giữ chất sắt nhiều hơn. Quá nhiều chất kim
loại này trong cơ thể, gan sẽ bị hư và tác dụng của thuốc Interferon trong việc
chữa trị viêm gan nhiễm vi khuẩn viêm gan B và C có thể giảm đi nhiều phần. Vì
thế, bệnh nhân bị viêm gan C với lượng sắt cao trong máu, nhất là khi gan bị
chai nên tránh uống thuốc bổ có chất sắt hoặc thực phẩm có nhiều chất kim loại
này như thịt đỏ, gan. Đây là lý do tại sao ăn gan không những không bổ mà còn có
thể làm hại gan hơn. Nên tránh nấu ăn bằng nồi niêu làm bằng sắt hay lót với
chất sắt cũng như tránh dự trử thức ăn trong những hộp bằng kim loại.
MỠ VÀ BỆNH GAN:
Mập phì (obesity), bệnh mỡ cao hoặc tiểu đường thường đưa đến bệnh gan hoá mỡ
(fatty liver). Lâu dần gan có thể bị viêm. Những người này nếu xuống cân hay
giảm lượng Cholesterol thì gan có thể tốt hơn. Bệnh nhân bị viêm gan vì thế nên
tập thể dục đều đặn, bớt thức ăn nhiều chất béo, cholesterol, đường. Nếu chưa
đạt được số cân trung bình (normal body weight) hoặc lý tưởng (ideal body
weight), họ nên cố gắng xuống ký.
CHẤT ĐẠM VÀ BỆNH VIÊM GAN:
Chất đạm (protein) đóng một vai trò quan trọng và cần thiết trong
việc bảo trì và tăng trưởng bắp thịt trong cơ thể chúng ta. Chất đạm cũng giúp
cơ thể tự chữa bệnh và hồi sức. Người bị bệnh gan cần ăn uống đầy đủ chất đạm
mỗi ngày để giúp tế bào gan tăng trưởng và hồi phục nhanh chóng. Tuỳ theo tuổi
tác, trọng lượng, nghề nghiệp cũng như sinh hoạt thể thao và phái tính nam nữ,
bệnh nhân cần từ 1 đến 1.5 gm chất đạm mỗi ngày cho mỗi một ki lô trọng lượng cơ
thể. Người ta thường hiểu lầm là bệnh nhân viêm gan phải tránh chất đạm. Điều
này chỉ đúng khi gan bị chai quá nặng mà thôi.
Khi bệnh trở nên nặng hơn, khả năng bài tiết chất mật của gan giảm dần. Thiếu
chất mật sự tiêu hoá và hấp thụ dầu mỡ trở nên khó khăn hơn. Bệnh nhân có thể bị
sình bụng, khó chịu hoặc tiêu chảy. Các loại vitamin tan trong mỡ như vitamin A,
D, E sẽ không được hấp thụ như mong muốn. Vì thế nếu không uống thêm vitamin D
(5,000 – 8,000 IU mỗi ngày) và calcium, xương của họ có thể sẽ xốp hơn và dễ gẫy
hơn. Nên uống thêm vitamin A từ 10,000 đến 25,000 IU mỗi ngày và vitamin E từ 50
đến 400 IU mỗi ngày. Một số bác sĩ cũng khuyên nên uống thêm vitamin C mỗi ngày.
THỨC ĂN CHO NGƯỜI BỊ CHAI GAN & UNG THƯ GAN:
Trong trường hợp nầy, khả năng hoạt động của gan đã bị suy giảm rất nhiều.
Gan không còn cung cấp cho cơ thể đầy đủ những hoá chất và chất đạm cũng như
không thể loại bỏ các chất độc, chất dơ và cặn bã trong người. Người bị chai gan
vì thế dễ bị phù thủng. Nước ứ đọng trong người làm bụng sình trướng. Bệnh nhân
thường đau bụng tiêu chảy, đi cầu ra máu hoặc đôi khi ói ra máu. Vấn đề dinh
dưỡng bấy giờ cần phải kiểm soát một cách kỹ lưỡng với sự giám sát của bác sĩ.
Người bị chai gan không nên ăn quá 2 grams muối mỗi ngày, nghĩa là ít hơn một
thìa cà phê muối. Một cách giản dị, đừng chấm thêm nước mắm, xì dầu hoặc rắc
thêm mắm muối vào thức ăn đã bầy lên bàn. Ăn quá mặn, nước sẽ ứ đọng trong bụng.
Trong một số trường hợp bệnh phải uống thêm thuốc loại tiểu. Để tránh bệnh loạn
trí (hepatic encephalopathy), bệnh nhân nên cắt giảm tiêu thụ chất đạm từ động
vật như thịt, cá, trứng gà/vịt, sữa. Không nên dùng quá 0.8 gram chất đạm từ
động vật cho mỗi ký lô trọng lượng mỗi ngày. Ammonia từ chất đạm của thịt nếu
tăng quá cao sẽ làm bệnh nhân trở nên mệt mỏi, buồn ngủ, thiếu minh mẫn, kém
tỉnh táo và nếu nặng hơn sẽ loạn trí, hôn mê bất tỉnh. Mặt khác, người ta nhận
thấy chất đạm từ thực vật như đậu nành, đậu hũ dễ ăn hơn và có thể tránh được
những hậu quả của bệnh loạn trí. Vì thế, người bị chai gan, nên ăn rau quả nhiều
hơn thịt. Họ có thể ăn từ 70 đến 80 gram chất đạm từ thực vật mỗi ngày. Ăn nhiều
rau và thức ăn chay khác còn mang lại một lợi điểm khác không kém quan trọng. Đó
là bớt bón. Ngay cả bệnh tiểu đường cũng có thể suy giảm nếu ăn nhiều chất xơ,
bì sợi hơn.
Ngoài các loại thuốc bổ dùng cho người bệnh viêm gan mãn tính, Bác sĩ có thể
sẽ cho uống thêm Vitamin K từ 2.5 đến 5.0 mg mỗi ngày, nếu bệnh nhân có khuynh
hướng chảy máu, hoặc các chất khoán như Magnesium glunate, Zinc sulfate,v.v…
Người bị chai gan cần phải ăn thật nhiều chất xơ để tránh bị táo bón. Trung
bình họ cần đi đại tiện ít nhất 2 đến 3 lần mỗi ngày. Một lần nữa điều nầy nhấn
mạnh sự cần thiết của rau và trái cây trong việc trị bệnh nói chung và bệnh viêm
gan nói riêng. Khi đi cầu nhiều lần trong ngày, chất Ammonia từ phân sẽ giảm đi
và bớt được hấp thụ vào máu hơn. Người ta cũng nhận thấy yoghurt và sữa hoặc
chất men Lactobacillus acidophilus nếu dùng đúng cách có thể hoá giải chất
Ammonia trong phân.
Tóm lai, thực phẩm cho người chai gan và ung thư gan trở nên rắc rối và phức
tạp hơn nhiều so với dinh dưỡng cho người chỉ bị viêm gan trong những giai đoạn
đầu. Bệnh nhân chai gan mất dần khả năng loại bỏ nhiều chất độc khác nhau trong
cơ thể nên dễ bị ngộ độc. Thức ăn thông thường hằng ngày nay cũng có thể nguy
hại nếu ăn quá nhiều hoặc quá ít. Thực phẩm cần được lựa chọn kỹ lưỡng hơn, và
cách thức cũng như giờ giấc ăn uống cũng phải thay đổi vì cơ thể người bị chai
gan yếu dần. Họ thường cảm thấy uể oải, thiếu sinh lực, ăn không ngon, bụng
không đói, miệng không muốn ăn, phần vì mùi vị thức ăn thơm ngon ngày xưa nay
trở nên khó chịu, lợm giọng buồn nôn. Bệnh nhân vì thế nếu không được chữa trị
đúng cách thì sẽ lìa trần sớm hơn. Sau đây là một vài mẹo vặt có thể giúp người
bị chai gan thoải mái hơn trong vấn đề ăn uống hằng ngày:
1. Nếu thận hoạt động tốt, nên uống thật nhiều nước, càng nhiều càng tốt. Nên
tránh uống rượu bia hoặc các loại nước chứa đựng chất cafeine như coffee, trà
đen, Coke, Mountain Dew,v.v…Cafeine với đặc tính loại tiểu dễ làm cho cơ thể
mất nước hơn. Tuy nhiên nếu quý vị đang uống thuốc loại tiểu như Lasix,
Aldactone, v.v…xin quý vị tham khảo ý kiến Bác sĩ.
2. Nên chọn lựa thức ăn hợp với khẩu vị của mình. Không nên cưỡng ép ăn uống
những thực phẩm không hợp với cơ thể, như uống sữa Ensure để rồi sau đó bị lình
sình bụng suốt ngày và không ăn uống được gì nữa.
3. Để tránh nôn ói, hoặc để thức ăn được ngon miệng hơn, nên ăn thành nhiều
bữa trong ngày. Mỗi lần một ít. Nên ăn nhiều hơn vào buổi sáng. Một ít bánh
nhạt, một tí nước ngọt có thể thuyên giảm những cảm giác nôn nao khó chịu hoặc
lợm giọng buồn nôn.
4. Vì người chai gan dễ bị viêm bao tử (gastritis), nên thức ăn quá mặn, quá
cay, quá chua có thể làm cho họ đau bụng, khó tiêu sau mỗi bữa cơm. Nên tránh
các loại thức ăn kể trên. Ngoài ra nên tránh thức ăn quá nhiều dầu mỡ hoặc quá
nhiều gia vị. Mùi vị nồng nặc của thức ăn có thể giảm đi nếu để lạnh hoặc nguội
trước khi dùng. Nên nấu thức ăn nơi thoáng khí, hoặc dùng máy hút hơi hữu hiệu,
để giảm thiểu sự buồn nôn có thể gây ra từ khói cay hoặc hương vị khó chịu trong
lúc nấu nướng. Hấp và luộc thức ăn cũng như nấu bằng microwave trong các túi
nylon cột kín sẽ giảm đi phần lớn sự ngào ngạt nặng mùi trong lúc chuẩn bị
thức ăn.
5. Người chai gan có thể lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi. Tuy nhiên họ có thể
sẽ khoẻ hơn khi ăn “chay” một vài bữa với thật nhiều đậu nành, đậu hũ cũng như
các loại trái cây không quá chua.
THUỐC BỔ GAN:
Nói đến dinh dưỡng chúng ta không thể không đề cập đến thức ăn và cỏ
cây dùng trong việc chữa bệnh và phòng ngừa bệnh tật. Người ta vẫn
cho rằng “ăn gì bổ nấy”: Ăn gan bổ gan, Ăn óc bổ óc. Tiếc thay câu này
không được đúng cho lắm. Gan tuy chứa đựng nhiều chất đạm và khoáng chất
khác nhau, tiêu thụ nhiều gan có thể làm gan bị hư hại nhanh chóng hơn.
Người Việt có khuynh hướng phân biệt thực phẩm thành hai loại. Thức ăn “nóng”
và thức ăn “mát”. Khi gan bị nóng, dùng thức ăn “mát” sẽ giúp gan đỡ viêm
hơn. Thí dụ điển hình cho thức ăn “mát” để trị bệnh “nóng” gan
là artichoke, nói theo tiếng Pháp là artichaud. Một số các nhà vạn vật thiên
nhiên cho rằng artichoke dự trữ nhiều chất cynarin với khả năng bảo vệ và
duy trì tế bào gan. Họ cũng tin rằng chất hoá học này có khả năng kích
thích sự di chuyển của chất mật bào tiết từ gan xuống túi mật. Vì thế, nhà thuốc
tây Pháp bào chế thuốc artichoke với tên là Chophytol. Tuy nhiên, công hiệu của
artichoke trong việc chữa trị bệnh viêm gan chưa được chứng minh và công
nhận bởi cơ quan FDA và Hội Y-Sĩ Đoàn Hoa Kỳ.
Một trong những thức ăn khác rất thịnh hành trong dân gian dùng
để chữa trị bệnh viêm gan là tỏi. Tỏi với hai chất hoá học Germanium
va Selenium vẫn được xem như một chất thiên nhiên có khả năng tẩy độc, khử
trùng và làm các mạch máu dẻo dai hơn. Tiếc thay, tỏi vẫn chưa được chứng minh
một cách khoa học về công dụng chữa bệnh sưng gan. Hơn nữa trong tỏi có
rất nhiều chất Sulfur, nên nếu ăn quá nhiều tỏi, chúng ta có thể bị ngộ độc,
da bị nổi ngứa, đau bụng, tiêu chaảy, đôi khi đi cầu ra máu hoặc làm tuyến giáp
trạng thay đổi bất thường.
Có lẽ thuốc đã và đang được nhiều người dùng nhất để chữa trị bệnh viêm
gan là Milk Thistle. Các nhà sản xuất thuốc này cho rằng chất Silibum
Marianum trong loại cỏ gai này có khả năng bảo vệ cho gan không bị tàn phá bởi
nhiều chất hoá học khác nhau. Tuy nhiên, cũng như hầu hết các laọi thuốc cỏ cây
khác, thí nghiệm về công dụng cũng như về các phản ứng phụ của thuốc còn rất thô
sơ và thiếu sót. Người ta cũng khuyến cáo rằng uống thuốc này có thể gây trở
ngại trong việc hấp thụ thức ăn và nhiều loại thuốc khác nhau.
Ngoài những loại thuốc điển hình kể trên, người ta tìm thấy rất nhiều các loại
thuốc cỏ cây, củ hột dước nhiều tên khác nhau, được bán riêng hoặc trộn chung
với các dược thảo khác. Từ sụn cá mập đến dầu cá thượng đẳng, DHA, từ sâm Cao ly
đến cao hổ cốt, từ trái nhàu Noni đến Pentaphy, từ nấm Shitake đến Huang
Qi,v.v…Vàa như thế, mỗi năm công dân Hoa Kỳ chi khoảng 6 tỷ Mỹ kim cho các
loại thuốc Bắc, Nam khác nhau, đa số là thuốc gia truyền với nhiều công thức và
pha chế khác nhau, nên thiếu những nghiên cứu khoa học và kiểm soát lâu dài.
Tóm lại, có lẽ tất cả các loại thức ăn hay dược phẩm đều có khả năng bồi bổ
cơ thể của chúng ta không ít thì nhiều, không bằng cách này thì bằng cách
khác. Nhưng sự bồi bổ và khả năng trị bệnh của thức ăn cũng như các loại dược
thảo thịnh hành này có công hiệu đủ để chúng ta dùng trong việc chữa trị bệnh
viêm gan hay không cần được chứng minh rõ ràng hơn.
Một lần nữa, nếu thức ăn hoặc cỏ cây được dùng trong việc chữa bệnh, chúng
phải xem như một loại thuốc với tất cả những phản ứng chính vàa
phụ. Trước khi được bầy bán trên thị trường, tất cả các loại thuốc tây
phải trải qua những cuộc nghiên cứu vô cùng phức tạp và tỉ mỉ do Bộ
Thực và Dược Phẩm FDA (viết tắc bởi chữ Foods and Drugs Administration) đặt ra
và kiểm soát.
Vì các loại thuốc cỏ cây vẫn được xem như thực phẩm nên chưa được kiểm
soát một cách kỹ lưỡng. Và như thế những hiệu quả và hậu quả lâu dài của đa số
các loại thuốc này vẫn chưa được sáng tỏ và cần được suy xét kỹ lưỡng hơn.