Bài Vở Cũ Khoa học

DauBaoTu BuiXuanDuong



Dau Bao Tu

Giới
thiệu của BBT

Viêm
gan và đau bao tử là hai bệnh rất phổ thông trong
các cộng đồng Việt quốc nội cũng như
hải ngoại. Số tử vong vì viêm gan rất cao và bệnh
đau bao tử ảnh hưởng rất lớn đến
khả năng làm việc.

BBT
xin giới thiệu bài viết sau đây của BS Bùi Xuân
Dương (chuyên khoa về gan và tiêu hóa), một bài về
viêm gan, đặc biệt là viêm gan B, và một bài về
đau bao tử.

BBT
sẵn sàng đón nhận thêm các bài viết với kiến
thức cập nhật liên quan đến cùng đề
tài.

___________________________________________________________________

Đau Bao Tử

Bùi Xuân
Dương, MD

Đau bao tử
là một căn bệnh rất thông thường mà chúng
ta ai cũng có thể bị. Người ta ước đoán
cứ trong 10 người sẽ có một người đau
bao tử.

Đau bao tử
là gì?

Người
Việt chúng ta dùng chữ đau bao tử để diễn
tả tình trạng đau bụng (dyspepsia) khi bao tử bị
kích thích bởi quá nhiều chất acid. Danh từ y khoa gọi
là “peptic ulcer disease”. Thật ra, chữ peptic ulcer disease có
một nghĩa rộng lớn hơn; diễn tả trạng
thái khi bất cứ phần nào trong hệ thống tiêu hóa,
chẳng hạn như thực quản, bao tử, ruột
non v.v.. bị loét lở. Vì thế để nói một cách
chính xác, nếu bao tử bị loét, ta bị đau bao tử.
Nếu tá tràng (phần đầu tiên của ruột non
tiếp nối sau bao tử) bị loét, ta bị đau tá
tràng. Tuy nhiên để dễ hiểu, tôi xin dùng danh từ
“đau bao tử” cho bệnh tật gây ra bởi những
vết loét lở trong hệ thống tiêu hóa phần trên
(upper gastrointestinal tract), bao gồm miệng, thực quản,
bao tử và tá tràng.
Những nguyên nhân chính đưa đến đau bao tử:

Khi thức
ăn theo thực quản đi dần xuống bao tử,
chúng sẽ được trộn đều với chất
acid và một số hóa chất tiết ra từ tuyến
nước bọt (salivary glands), bao tử (stomach), tụy
tạng (pancreas), gan (liver) v.v. Mỗi một chất hóa học
này sẽ đóng một hoặc nhiều vai trò khác nhau trong
việc tiêu hóa và hấp thụ thức ăn. Nhờ vào
sự co thắt tuần tự của những cơ vòng
chạy dọc theo đường tiêu hóa, thức ăn
sẽ đi dần xuống ruột non và ruột già, rồi
được hấp thụ thẳng vào máu, nuôi nấng
từng tế bào trong cơ thể. Để sự hấp
thụ và tiêu hóa thức ăn được xẩy ra một
cách tốt đẹp, các cơ quan này PHẢI hoạt động
một cách rất chính xác và nhịp nhàng.

Bao tử và
ruột non được bảo vệ bởi một cơ
chế cực kỳ tinh vi. Cơ chế này chịu ảnh
hưởng của nhiều dữ kiện khác nhau. Để
tránh sự tàn phá mãnh liệt của các chất acid và hóa
học do chính mình bài tiết, bao tử và ruột non tạo
ra một màng nhầy đặc biệt. Tuy nhiên, nếu
bao tử chứa quá nhiều chất acid hoặc/và quá nhiều
chất Pepsin, cũng như nếu màng nhầy che chở
bao tử quá “mỏng”, chất acid có thể tàn phá tế
bào bao tử và ruột non. Tình trạng này lâu dần đưa
đến viêm và loét bao tử và ruột non.

Nói một cách
dễ hiểu, sau mỗi bữa cơm bao tử bài tiết
một số chất acid, vừa đủ để tiêu
hóa thức ăn, không hơn không kém. Khả năng điều
hòa sự bài tiết chất acid này có thể bị thay đổi
vì một hoặc nhiều lý do khác nhau, đưa đến
quá nhiều chất acid hoặc quá ít màng nhầy. Ban đầu
bao tử hoặc/và ruột non có thể chỉ bị viêm
sơ sài (gastritis/duodenitis), lâu dần bệnh trở nặng
hơn đưa đến trầy trụa (erosion), nặng
hơn nữa sẽ thành loét lở (ulcer), và nếu không
chữa đúng cách vết loét có thể bị chảy máu
(xuất huyết bao tử) hoặc lủng (perforation).

Hai nguyên nhân
chính đưa đến đau bao tử là 1) vi trùng xoắn
Helicobacter Pylori và 2) các loại thuốc chống đau nhức
như Advil, Ibuprofen, Indocin v.v. Những nguyên nhân khác như
lo lắng sợ sệt, bị nhiều “stress”, ăn uống
không đúng giờ giấc, hoặc ăn quá cay, quá chua,
quá mặn v.v. thường chỉ đóng một vài trò phụ
mà thôi.
Điều đáng chú ý là thuốc lá và rượu. Thuốc
lá làm bao tử và ruột non dễ bị loét lở hơn.
Những vết loét lở của người hút thuốc
lá có khuynh hướng lớn hơn, xâu hơn và khó chữa
hơn.
Rượu hoặc bia nếu uống thái quá có thể tàn
phá màng nhầy bảo vệ bao tử và ruột non. Rượu
và bia còn có khả năng kích thích bao tử bài tiết nhiều
chất chua hơn nên dễ đưa đến loét lở
bao tử hơn.

Helicobacter Pylori:

Trong những
năm gần đây, người ta nhận thấy mối
liên quan mật thiết giữa vi trùng Helicobacter Pylori (tạm
dịch là vi trùng xoắn) và bệnh loét lở bao tử
và ruột non. Tuy nguồn gốc nguyên thủy của H.
Pylori chưa được rõ ràng cho lắm, vi trùng này có
khả năng lây từ người này sang người
khác một cách tương đối dễ dàng và mau chóng,
nhất là ở các nước kém mở mang hoặc những
nơi đông dân cư. Tại Hoa Kỳ, khoảng 20 đến
30% người Mỹ trắng ở lứa tuổi 30 đến
4O đã và đang bị nhiễm trùng bởi vi trùng H. Pylori.
Người da đen và người Mỹ gốc Mễ
bị nhiều hơn. Tỷ số nhiễm trùng tăng
dần theo thời gian, khoảng 1% mỗi năm. Vì thế
ít nhất một trong 2 người Mỹ trắng từ
65 tuổi trở lên đã và đang bị nhiễm trùng
bởi vi trùng này. Tuy chưa có thống kê chính xác cho người
Việt Nam, trong chúng ta có lẽ rất nhiều người
đang bị nhiễm trùng bởi H.pylori mà không hề hay
biết.

Vi trùng này có
khả năng sinh sôi nẩy nở trong một môi trường
có nồng độ acid rất cao như trong bao tử của
chúng ta. Chúng rất khó chữa trị nên bệnh có thể
tái phát nhiều lần. Nguy hiểm hơn cả là khả
năng thay đổi chất nhiễm thể của tế
bào bao tử đưa đến bệnh ung thư bao tử,
một trong những bệnh thường xuyên reo tan tóc cho
rất nhiều gia đình người Việt chúng ta.

Triệu chứng
của đau bao tử.

Triệu chứng
chính của đau bao tử là đau bụng. Tuy nhiên, cảm
giác, cường độ và thời gian của sự đau
đớn có phần thay đổi theo mỗi cá nhân. Triệu
chứng có thể chỉ xẩy ra một lần rồi
tự nhiên biến mất hoặc tái phát nhiều lần
từ ngày này qua tháng nọ. Những cơn đau có thể
thay đổi từ rất nhẹ nhàng và mơ hồ đến
rất đau đớn và rõ rệt, hoặc có thể lên
từng cơn, đau “rêm rỉ” nhiều tiếng đồng
hồ phần bụng trên, chung quanh lỗ rốn hoặc/và
ở chấn thủy, trước hoặc sau bữa ăn.
Khi nhẹ bệnh có thể gây ra những cảm giác như
đau “lâm râm”, cồn cào, xon xót, ran rát khó chịu, xình bụng,
đầy hơi, khó tiêu. Bệnh nhân còn có thể cảm
thấy buồn nôn, nặng nề khó thở sau bữa ăn
hoặc không ăn được nhiều vì chóng no.

Một số
bệnh nhân loét lở ruột non (duodenal ulcer) có những
triệu chứng đau bụng rất rõ rệt, tiêu biểu
và dễ chẩn đoán. Những cơn đau rát, nong nóng
ở vùng chấn thủy như lúc quá đói bụng bắt
đầu khoảng 1 đến 3 tiếng sau bữa ăn.
Nhiều khi đang ngủ, họ bị đánh thức
dậy bởi những cơn đau bụng rất khó chịu,
thôâng thường khoảng 2 – 3 giờ sáng. Những bệnh
nhân này hiếm khi bị đau trước bữa ăn
sáng. Bệnh nhân loét ruột non thường ăn nhiều
lần trong ngày, vì thức ăn hoặc các loại thuốc
chống acid như Mylanta, Maalox, Gasviscon v.v. có thể sẽ
thuyên giảm những cơn đau trong một thời gian
ngắn.

Mặt khác,
người bị loét bao tử (gastric ulcer), thường
đau lúc no nhiều hơn lúc đói. Bệnh nhân thường
có khuynh hướng lớn tuổi hơn và các triệu
chứng có phần nặng hơn so với các bệnh nhân
loét ruột non. Họ thường cảm thấy đau
đớn khó chịu ngay sau bữa ăn. Aên càng nhiều
càng đau. Nên họ có thể sẽ ăn ít đi và mỗi
ngày một ốm đi.

Một số
người không may, bị loét cả bao tử lẫn ruột
non, nên bụng đau liên tục, khó chịu ngày đêm. No
cũng đau, đói cũng đau. Nếu vết loét nằm
gần ranh giới giữa bao tử và ruột non, bệnh
nhân có thể bị nôn ói sau mỗi bữa ăn.

Nếu họ
còn bị thêm bệnh ợ chua (Gastro-Esophageal Reflux Disease),
họ còn có thể cảm thấy nặng lồng ngực,
khó thở sau bữa ăn, kèm theo ợ chua, đắng
miệng, nước miếng cứ tuông trào hoặc miệng
bị khô nhạt. Thức ăn trở nên nhạt nhẽo
kém ngon.

Như viết
ở trên, nếu bệnh để lâu không chữa, nhất
là khi bệnh nhân tiếp tục hút thuốc lá hoặc uống
quá nhiều rượu bia, vết loét càng trở nên xâu hơn
đưa đến xuất huyết bao tử, lủng
bao tử. Đây là những trường hợp cực
kỳ nguy hiểm và khẩn trương. Khi xuất huyết
bao tử, bệnh nhân có thể trở nên rất mệt,
buồn nôn khó chịu và ói mửa. Họ có thể ói ra máu
tươi, hoặc máu có mầu gạch cua hoặc mầu
nâu đen như bã café. Bệnh nhân có thể mất một
số lượng máu quá lớn trong một thời gian
rất ngắn, hoặc quá đau đớn một cách
rất đột ngột đưa đến ngất
xiểu, hôn mê, bất tỉnh và chết. Người ta
nhận thấy những người hút thuốc lá có khuynh
hướng đau nặng hơn, với nhiều biến
chứng trầm trọng hơn, dễ bị lủng bao
tử hoặc xuất huyết bao tử hơn, và các vết
thương sau khi giải phẫu cũng khó lành hơn.
Vì thế số tử vong của người hút thuốc
lá với bệnh loét bao tử và ruột non cao hơn bình
thường gấp nhiều lần. Đây nói lên tính cách
quan trọng của việc bỏ thuốc lá trong công cuộc
chữa trị bệnh đau bao tử.

Ngoài ra một
số nguyên nhân khác không nhất thiết liên quan đến
bao tử và ruột non cũng có thể đưa đến
đau bụng giống như những triệu chứng
của đau bao tử.

Làm thế
nào để tránh bị đau bao tử?

Như trình
bày ở trên, đau bao tử có thể được xem
là bệnh truyền nhiễm. Trong những môi trường
thiếu vệ xinh, hoặc nơi đông dân cư, vi trùng
H. pylori có thể truyền từ người này sang người
khác một cách tương đối dễ dàng. Tuy nhiên,
không phải ai có vi trùng H. pylori cũng sẽ bị loét bao
tử. Hơn nữa, không phải ai sinh sống nơi đông
gia cư cũng có thể bị lây bệnh, nên qúy vị
không phải lo lắng làm gì khi đi ăn cơm tiệm.
Hiện nay hội đồng y-khoa Hoa Kỳ chưa có lời
khuyên rõ rệt về vấn đề có nên kiêng ăn chung
với người có vi trùng H. pylori hay không.

Mặc dù đa
số các khoa học gia cho rằng thay đổi cách thức
ăn uống không nhất thiết ảnh hưởng đến
bệnh đau bao tử, một số bệnh nhân cảm
thấy bao tử dễ chịu hơn khi họ ăn uống
đều đặn đúng giờ, tránh ăn quá cay, quá
chua hoặc quá mặn.

Người
có khuynh hướng bị đau bao tử nên tránh uống
cà phê, trà hoặc các thức uống có chứa chất caffeine
như Coke, Pepsi, Mountain Dew v.v. Ngay cả các loại cà phê
đã được loại bỏ chất caffeine (Decaffeinated
coffee) cũng có thể kích thích sự bào tiết chất
acid từ bao tử.

Nên tránh uống
rượu và bia. Nếu uống nên uống lúc bụng no.

Nên tránh hút thuốc
lá.

Một số
các loại thuốc chống đau nhức khác nhau như
Aspirin, Motrin, Advil, Voltaren, Indocin, Alleve v.v. nếu uống
quá nhiều, nhất là nếu uống lúc bụng đói,
sẽ dễ bị đau bao tử. Nếu cần phải
uống thuốc chống đau nhức, những người
bị đau bao tử nên uống thuốc có chất acetaminophen
như Tylenol. Vioxx và Celebrex là những loại thuốc chống
đau mới có thể không gây ra đau bao tử như
thuốc Ibuprofen.

Những phương
pháp định bệnh đau bao tử:

Trong quá trình
thăm hỏi và khám bệnh, người y-sĩ thường
tạo cho mình một khái niệm về nguyên nhân cũng
như cách thức chữa trị những bệnh tật
khác nhau của bệnh nhân. Tuy nhiên trong nhiều trường
hợp đặc biệt, người y-sĩ phải thử
thêm một vài cuộc thử nghiệm khác nhau đệ
việc định bệnh và chữa bệnh trở nên
chính xác hơn. Có 2 phương pháp chính để định
bệnh đau bao tử: 1) chụp hình quang tuyến (X-ray).
2) Nội soi bao tử (Endoscopy).

Nội soi bao
tử là gì?

Nội soi bao
tử là phương pháp hiện đại để định
và trị bệnh. Khi soi bao tử, các bác sĩ sẽ dùng
một ống soi mềm nhỏ hơn ngón tay út, gắn
liền với một hệ thống truyền hình điện
tử, để từ đó phóng đại hình ảnh
của thực quản, bao tử cũng như tá tràng lên
thẳng màn ảnh TV.

Nhật là một
trong những nước đầu tiên trên thế giới
đưa phương pháp này vào công việc định
bệnh liên quan đến hệ thống tiêu hóa. Hiện
nay, ở một số thành phố lớn tại Nhật
Bản, phương pháp soi bao tử và ruột đã hoàn
toàn thay thế lối định bệnh cổ xưa như
chụp hình quang tuyến.

Soi bao tử
và chụp hình quang tuyến khác nhau như thế nào?

Chụp hình
quang tuyến hay gọi là X-ray chỉ thấy bóng của
những cơ quan muốn khám nghiệm. Thường bệnh
nhân phải uống một chất thuốc tương
đối dễ uống, và sau đó sẽ được
chụp bằng quang tuyến X. Bức hình sẽ hiện
ra mầu trắng đen, và hình thù của các cơ quan sẽ
được nhận diện như những bóng đen
trắng. Phương pháp này tương đối rẻ
tiền và nhanh chóng, nhưng không được chính xác bằng
phương pháp nội soi bao tử.

Khi soi bao tử,
hình thù của các cơ quan thử nghiệm được
phóng đại lên màn ảnh truyền hình, nên ngay cả
một vài thay đổi li ti cũng có thể được
khám phá một cách dễ dàng. Song song vào đó, trong lúc soi
bao tử, người y sĩ cũng có thể gắp một
ít tế bào để gởi đi phòng thí nghiệm tìm kiếm
vi trùng H. pylori, hoặc tế bào ung thư. Ngoài ra, nếu
có những vết loét lở đang bị chảy máu, bác
sĩ cũng có thể đốt hoặc tiêm thuốc thẳng
vào vết thương để cầm máu. Vì thế, soi
bao tử hoặc upper endoscopy được xem là phương
pháp tối tân nhất và chính xác nhất hiện nay trong việc
định và trị bệnh liên quan đến phần
trên của hệ thống tiêu hóa. Tuy nhiên phương pháp
này mất công hơn, mắc tiền hơn và cũng có phần
khó chịu hơn đối với bệnh nhân. Trong lúc
soi bao tử, một ít thuốc ngủ và thuốc chống
đau được truyền theo đường nước
biển, nên người bệnh cảm thấy tương
đối dễ chịu trong và sau khi được soi.
Bệnh nhân cần nghỉ việc hôm đi soi bao tử.

Những lợi
điểm và biến chứng của soi bao tử

Lợi
Ðiểm

Biến
Chứng

– Soi bao tử là phương pháp tối tân vừa để
định bệnh và cũng để chữa trị
bệnh nữa. Chẳng hạn như tiêm thuốc
hoặc đốt bằng tia LASER khi bao tử đang
bị chảy máu, cắt bỏ những bướu
nhỏ trong bao tử v.v.

Cũng như trong lúc soi ruột già, một số biến
chứng có thể xẩy ra như:


Chảy máu, Nhiễm trùng


Lủng ruột, dị ứng hoặc phản ứng
phụ với thuốc gây mê v.v.


Tử vong

Trong những
năm gần đây, người ta khám phá ra một phương
pháp tối tân hơn để chụp hình hệ thống
tiêu hóa tương tự như khi đi soi bao tử, gọi
là Capsule Endoscopy. Đây là một tiến bộ đáng kể
trong y khoa. Trong phương pháp này, bệnh nhân chỉ cần
“nuốt” một “máy quay phim” dưới dạng của
một viên thuốc với kích thước là 26 mm chiều
dài và 11 mm chiều ngang. Đi dọc theo hệ thống
tiêu hóa, “viên thuốc quay phim” này sẽ thâu thập những
dữ kiện của màng ruột non và gởi những tín
hiệu này đến một máy “thâu băng” đeo trên người
bệnh nhân. Sau đó, với sự trợ giúp của máy
điện tử đặc biệt, người bác sĩ
có thể biến đổi những tín hiệu phát xuất
từ viên thuốc quay phim thành những hình mầu hiện
trên màn ảnh TV. Điểm son của phương pháp này
là bệnh nhân không cần phải nhập viện, không cần
phải nghỉ việc và chỉ phải nhịn ăn
trong vòng 8 tiếng mà thôi. Tuy nhiên, cho tới nay, FDA chỉ
cho phép ứng dụng phương pháp này trong việc định
bệnh của ruột non mà thôi. Tiếc thay, phương
pháp “Capsule Endoscopy” này không chụp được hình bao
tử và ruột già.

Phương pháp chữa
bệnh đau bao tử:

Đau bụng là một
trong những triệu chứng thường xuyên mà có lẽ
chúng ta ai ai cũng có thể bị, không ít thì nhiều. Nếu
bị đau thường xuyên hơn, quý vị có thể
dùng một số thuốc khác nhau bầy bán trên thị trường
mà không cần toa bác sĩ. Sau đây là một số thuốc
điển hình:
Thuốc chống acid gọi chung là antacids. Chúng có khã năng
hóa giải chất acid trong bao tử. Một khi độ
chua trong bao tử giảm đi, các vết loét lở sẽ
chóng lành. Trên thị trường nhiều loại thuốc
khác nhau được bầy bán với những tên sau đây:
Maalox, Mylanta, Riopan, Amphogel, Gaviscon, Camalox v.v. Thuốc này tuy
có hiệu lực, nhưng cần phải uống nhất
nhiều lần. Thuốc có thể làm buồn nôn khó chịu,
hoặc táo bón hoặc tiêu chảy. Thông thường thuốc
nước có công hiệu hơn thuốc viên. Theo một
số tài liệu, để đạt được công
hiệu của 2 thìa cà phê Mylanta, quý vị phải nhai khoảng
20 viên Rolaid. Các loại thuốc này có công hiệu nhất
nếu quý vị uống lúc đói. Một số bác sĩ
và dược sĩ khuyên quý vị không nên dùng Tums. Tums tuy
cũng là một chất hóa giải acid, nhưng vì chứa
đựng rất nhiều chất calcium, nên có thể kích
thích bao tử chế nhiều chất chua hơn.

Gần đây một số
thuốc mạnh hơn thuốc antacids được bán
trên thị trường mà không cần toa bác sĩ. Các loại
thuốc này có khả năng làm giảm đi sự bào tiết
chất chua từ bao tử. Chúng thuộc gia đình Histamine
2 blocker với những tên như Tagamet, Pepcid, Zantac, Axid.
Các loại thuốc này uống lúc nào cũng no hay đói
cũng được, nhưng không nên uống cùng một
lúc với thuốc antacids. Cách thức uống và điều
lượng như sau.

Tuy các loại thuốc
bày bán trên thị trường, quý vị không nên lạm dụng
chúng. Quan trọng hơn cả, nếu các triệu chứng
vẫn không thuyên giảm, quý vị nên đi bác sĩ.
Chúng tôi cũng khuyên quý vị nên cẩn thận khi dùng thuốc
Alka-Seltzer. Alka-Seltzer cĩ thể chứ đựng chất
aspirin nên có thể làm bao tử và ruột non dễ loét lở
hơn. Chất aspirin cũng làm cho máu loãng hơn nên người
bị viêm, loét bao tử có thể bị chảy máu dễ
dàng.

Ngoài những thuốc kể
trên, còn có một số thuốc khác nhau có những công dụng
khác nhau, hoặc có thể mạnh hơn hoặc tốt
hơn. Thí dụ điển hình như những thuốc
với tên như Prilosec, Prevacid, Aciphex, Nexium, Protonix v.v. Các
loại thuốc này cần phải có toa bác sĩ mới
mua được. Thuốc này khơng nên uống khi đang
mang thai.

Khi nào cần đi bác
sĩ?

Sau đây là những trường
hợp quý vị nên liên lạc với bác sĩ của quý
vị càng sớm càng tốt:
– Nếu quý vị có triệu chứng xuất huyết bao
tử như ói ra máu (có thể máu đỏ tươi hoặc
máu “bầm” như bã cà phê), hoặc đi phân ra máu. Phân có
thể mầu đen như mực hoặc mầu gạch
cua. Đây là những trường hợp tối ư khẩn
cấp. Quý vị nên vào nhà thương ngay lập tức.

– Nếu quý vị bị nôn ói liên tục.
– Nếu quý vị không ăn uống được, nhất
là nếu quý vị bị xuống cân.
– Nếu quý vị càng ngày càng thấy mệt và vấn đề
ăn uóng trở nên khó khăn.
– Nếu nuốt thức ăn trở nên đau đớn
hoặc hay bị nghẹn cổ.
– Nếu bệnh trở nên mỗi ngày một trầm trọng
hơn hoặc uống thuốc mà vẫn không hết.
– Nếu trong gia đình quý vị có người thân bị
ung thư bao tử.

Tóm lại, đau bao tử
là một căn bệnh rất thông thường mà chúng
ta ai ai cũng có thể bị, càng lớn tuổi càng dễ
bị. Với sự hiểu biết rõ ràng hơn về
những lý do đưa đến loét lở bao tử và
ruột non, nhất là với sự khám phá mối liên quan
giữa vi trrùng H. pylori và bệnh đau bao tử, thêm vào
đó với những phương pháp định bệnh
tối tân hơn và chính xác hơn, cũng như những
loại thuốc mới hơn, tốt hơn và an toàn hơn,
bệnh đau bao tử ngày nay có thể chữa trị
một cách dễ dàng và dứt khoát. Chữa trị đúng
cách có thể giảm đi những biến chứng nguy
hiểm như xuất huyết bao tử, lủng bao tử
và ung thư bao tử.

Bác sĩ Bùi Xuân Dương
tốt nghiệp bác sĩ y-khoa tại University of Bern, Thụy
Sĩ, tốt nghiệp chuyên khoa nội thương và chuyên
khoa hệ thống tiêu hóa và gan tại St. Louis University, Missouri.
Địa chỉ phòng mạch: 10301 Bolsa Ave., Suite 101, Westminster,
CA. E.mail: DuongBuiMD@aol.com. Số
điện thoại: (714) 531-3535

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời